Nét văn hóa Bến_nước

Bến nước là một nét văn hóa rất đặc trưng của các buôn làng người dân tộc thiểu số vùng cao, do với họ nguồn nước ăn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi khi muốn di chuyển làng về một nơi ở mới, người ta sẽ phái người đi tìm đất; ngoài yếu tố đất đai màu mỡ và có thể sản xuất được thì điều kiện tiên quyết là phải có nguồn nước mạch dồi dào quanh năm có thể xây dựng bến nước cho buôn làng. Người ta cũng coi đây là nguồn nước sạch nhất, trong ăn uống họ chỉ sử dụng nước lấy từ bến nước và khi uống người ta tin tưởng đến nỗi không cần đun sôi. Hiện tại, hòa nhập với cuộc sống văn minh, các làng bản đều có giếng nước nhưng phần lớn người dân vẫn không bỏ được tập quán sử dụng nước ăn từ nguồn bến nước và việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước vẫn là một bản sắc dân tộc đặc sắc được gìn giữ với hình ảnh đẹp của những cô sơn nữ thong thả hứng nước từ các ống tre chứa đầy vào các quả bầu khô dùng để chứa nước, bỏ vào gùi hay cảnh nhộn nhịp tắm giặt, lấy nước của già trẻ, gái trai trong buôn mỗi chiều hôm sau một ngày lao động vất vả.

Theo tập quán, hàng năm các buôn làng đều tổ chức lễ cúng bến nước để cầu mưa thuận gió hòa.